Rangxaycaphe.com.vn – Người ta nói: “Giàu có cũng từ cái khó mà đi lên”, phải là người có bản lĩnh và tìm ra lối đi riêng mới có được chiếc chìa khóa thành công trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Cũng xuất phát từ cái “Chất” đấy cùng với những đam mê đã khiến cho anh chàng đang thành công trong sự nghiệp giảng dạy lại rẽ ngang sang kinh doanh, và tưởng chừng từ những hạt đậu, hạt gạo đã quá đỗi quen thuộc trong đời sống hằng ngày của mọi nhà, mà nhờ chúng đã làm nên sự nghiệp kinh doanh thành công của anh chàng mang tên Tô Phước Thịnh – chủ hệ thống thương hiệu Tào phớ Tofu gồm 38 cửa hàng trên cả nước, đồng chủ quán Rice (Chuyện của Gạo) tại số 38 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.
Anh Tô Phước Thịnh – Chủ quán Rice – “Chuyện của Gạo”
#1 "Chào anh! Để bắt đầu cuộc trò chuyện ngày hôm nay, anh có đôi chút chia sẻ về bản thân cũng như công việc hiên tại của mình được không?"
Anh Tô Phước Thịnh (TPT): Trước đây mình là giảng viên, nhưng cũng vì đam mê mà chuyển hướng sang kinh doanh, và con đường kinh doanh cũng khá may mắn và ưu ái với mình (Cười). Hiện tại mình có làm chủ hai thương hiệu là Tofu và Rice. Tofu đã mở ra đến nay là được 8 năm, còn đối với Rice mới được mở và hoạt động trong khoảng thời gian hơn 3 tháng. Tofu đã được kinh doanh theo một hệ thống, gồm chuỗi các cửa hàng ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam dưới hình thức là nhượng quyền thương mại. Trong khoảng thời gian kinh doanh dài đạt được khá nhiều thành công và cũng nhờ việc tích lũy kinh nghiệm nhiều năm trước đây thì đến cuối năm vừa qua, mình đã thực hiện thêm một dự định nữa, đấy chính là mở ra quán Rice, đối với Tofu là kinh doanh về tào phớ làm từ hạt đậu thì Rice được mở ra, mang tới một thức uống hương vị mới, được làm ra từ hạt gạo.
#2 "Được biết anh đã rất thành công với thương hiệu đầu tiên của mình là Tào phớ Tofu, vậy tại sao anh không tập trung kinh doanh vào một thương hiệu mà lại mở thêm Rice (Chuyện của gạo)?"
TPT: Đối với bất kỳ ai khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, bạn luôn muốn thị trường kinh doanh sản phẩm là lớn nhất, vậy nếu có cơ hội thì hãy luôn đổi mới và có nhiều những sản phẩm khác để đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng. Ví dụ đối với thương hiệu đầu của mình là Tofu kinh doanh về tào phớ, nhưng có người thích, hoặc không thích tùy thuộc vào nhu cầu mỗi người, vậy nên mình muốn mở rộng thị phần để có những thức uống phổ biến nhiều người dùng hơn, thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn, vì thế mà Rice đã ra đời.
#3 "Lý do gì khiến anh chọn gạo là sản phẩm kinh doanh thứ 2 của mình?"
TPT: Sản phẩm kinh doanh đầu tiên gắn với mình là loại hạt đậu, nên khi bắt đầu với thương hiệu thứ hai mình cũng muốn làm ra những sản phẩm có “họ hàng” với nhau, đều là các loại hạt, đồng thời cũng mang một nét truyền thống, nhưng cũng có cái riêng tạo ra sự khác biệt nhất định trong thị trường, trong thị phần kinh doanh của mình. Khi bạn làm kinh doanh, để có được một dấu ấn riêng đối với mọi người, và nhắc đến mình gắn liền với một sản phẩm nào đó, thì mình phải nghiên cứu một mặt hàng có ít trên thị trường mới tạo ra được sự thu hút. Thêm vào đó ý tưởng chọn nước gạo là sản phẩm kinh doanh cũng vì phần mình luôn hướng tới những giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của khách hàng.
#4 "Sản phẩm nước gạo là anh tự nghiên cứu làm ra hay có học hỏi từ đâu không?"
TPT: Các sản phẩm không chỉ của Tofu mà đến Rice cũng là đều do mình tự mày mò, nghiên cứu và làm ra với công thức riêng dựa trên những gì mình tìm hiểu được qua các chuyến du lịch nước ngoài. Không hẳn quá khéo như một đầu bếp, nhưng cũng có chút năng khiếu nhỏ nên cùng với sự tìm hiểu những công thức đồ ăn, thức uống ngon từ nước ngoài mà mình đã làm ra những sản phẩm với công thức dành cho riêng mình (Cười).
#5 "Theo như lời anh chia sẻ, anh đã từng áp dụng hình thức nhượng quyền thương mại với thương hiệu đầu tiên của mình, vậy đối với Rice thì như thế nào?"
TPT: Thực sự khi bạn đã làm kinh doanh thì tham vọng của bạn lúc nào cũng lớn (Cười), đối với thương hiệu đầu cũng đã thành công, mô hình kinh doanh được mở rộng cho cả 3 miền, đến nay gồm 38 cửa hàng, nên đối với Rice – là cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, cũng mang tới sản phẩm mới lạ không phải ở đâu cũng có, nếu có cũng chỉ đơn giản là nước gạo thông thường, hoặc nước gạo nhập của Hàn Quốc hay Nhật Bản, vậy nên dự định lớn nhất sắp tới của mình vẫn là áp dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu đối với Rice cho các bạn trẻ đam mê kinh doanh, góp phần thúc đẩy cho thương hiệu này phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, mình cũng mở thêm một số cửa hàng nữa trên địa bàn Hà Nội trong dịp hè sắp tới để sản phẩm mới lạ này được nhiều người biết đến và yêu thích hơn.
#6 "Anh cũng đã có nhiều kinh nghiệm trọng việc mở Tofu, vậy khi mở Rice anh có gặp phải những khó khăn nào không?"
TPT: Khó khăn lớn nhất đó chính là thị phần và sự khác biệt của sản phẩm, các hàng quán cafe mở ra rất nhiều, bởi vậy sự cạnh tranh là rất lớn hay nói đúng hơn là thực sự khốc liệt, vì thế để có một sự khác biệt để cạnh tranh được với những sản phẩm khác trong thị trường thì mình luôn phải hướng tới chất lượng sản phẩm đó là phải Sạch và Chất, cùng với nữa, đó chính là thái độ phục vụ của nhân viên cũng rất quan trọng, bởi vậy việc quản lý cũng được đề cao và phải chú tâm mới làm nên được sự hiệu quả kinh doanh cũng như thành công của thương hiệu.
#7 "Để định nghĩa về khái niệm nhượng quyền thương mại khá là rộng, vậy anh có thể chia sẻ cụ thể hình thức này khi sắp tới áp dụng cho Rice?"
TPT: Cụ thể hình thức nhượng quyền thương mại mình áp dụng cho thương hiệu đầu tiên cũng như sắp tới đối với Rice đó là bán lại thương hiệu của mình cho một bên khác, họ tự quản lý và tự chủ về tài chính cũng như phải chịu trách nhiệm về việc kinh doanh của mình, đồng thời minh vẫn cung cấp 30% nguyên liệu cho họ để có thể đảm bảo được chất liệu ngon của sản phẩm, được đồng nhất, thêm nữa, đó là khi mình có những sản phẩm mới thì sẽ cung cấp cho họ hoàn toàn công thức để các món mới được cập nhật trên tất cả chuỗi cửa hàng. Đồng thời những bên nhận quyền, hàng tháng phải nộp một khoản phí duy trì thương hiệu của mình.
#8 "Anh có thế bất mí nhỏ về khoản chi phí khi muốn nhận nhượng quyền thương hiệu là bao nhiêu không?"
TPT: Đối với thương hiệu đầu tiên là Tofu cũng như áp dụng đối với Rice sắp tới, chi phí để nhận được thương hiệu khoảng 3000 USD, để so sánh với thị trường hiện nay thì chi phí này không phải cao để mua được một thương hiệu kinh doanh, nhưng đấy cũng là vì mục đích muốn cho thương hiệu này được mở rộng xa hơn cũng như là cơ hội cho các bạn trẻ đam mê kinh doanh. Ngoài ra còn một vài điều kiện dành cho bên nhận quyền, ngoài việc phải có khả năng tài chính, thì đòi hỏi họ còn phải là những người đam mê, yêu thích ăn uống, thực sự muốn xây dựng việc kinh doanh, làm việc bằng cái tâm của mình.
#9 "Đấy là chi phí đối với người muốn nhận nhượng quyền, nhưng đối với những ai tự muốn mở ra một quán như Rice mất khoảng chi phí bao nhiêu?"
TPT: Đối với Rice không chỉ là đáp ứng về sản phẩm đồ uống mà cũng muốn hướng tới mặt thẩm mỹ nhiều hơn so với thương hiệu đầu tiên là Tofu, nên cũng cần một không gian riêng, phong cách riêng và có sự đầu tư thiết kế sao cho thu hút hơn, vì vậy để mở ra quán Rice này, mình mất chi phí khoảng 400 triệu đồng.
#10 "Có thể thời điểm đầu, nước gạo khá lạ và thu hút nhưng anh có nghĩ rằng một thời gian nữa khi thị trường du nhập ngày càng nhiều đồ uống lạ và hấp dẫn hơn, liệu nước gạo có bị lãng quên?"
TPT: Khi mình mở ra việc kinh doanh, luôn có một kế hoạch nhất định, tính toán thật kỹ, chứ không muốn kinh doanh một sản phẩm chỉ tạo ra một trào lưu hay cơn sốt ban đầu, và để có được sự bền vững thì mình phải luôn luôn cập nhật, nghiên cứu những món mới để bổ xung cho sản phẩm của mình được hoàn thiện, yêu thích hơn, xa hơn đó là dấu ấn, thói quen. Cứ sau khoảng 2 tháng, mình lại thay đổi thực đơn cho quán, cập nhật thêm những món mới hấp dẫn hơn, phù hợp với từng mùa, và mình cũng phải theo dõi được nhu cầu của khách hàng, nếu món nào không được ưu chuộng nhiều mình sẽ bỏ dần và thay vào những món được yêu thích hơn. Thêm vào đó không chỉ đơn giản là hoàn thiện về thực đơn, mà cũng phải lưu tâm tới những yếu tố khác để luôn giữ được sự quan tâm của khách hàng đó chính là sự thẩm mỹ bao gồm: phong cách, hình thức, không gian của quán.
#11 "Anh có áp dụng thêm những hình thức nào làm tăng sự thu hút của khách hàng đến Rice hay không?"
TPT: Vào tối chủ nhật hàng tuần, tại Rice luôn có thêm nhạc sống để tạo ra không gian thư giãn, thú vị cho khách hàng khi tới đây. Mình mời các bạn sinh viên, hay các bạn trong những cuộc thi hát vi dụ như trong: Vietnam Idol, The Voice,…để tạo một không gian giao lưu thật cuốn hút, gần gũi, thân thiện giữa các bạn trẻ. Đây cũng là điều khiến khách hàng nhớ đến Rice nhiều hơn.
#12 "Một ngày anh dành khoảng bao nhiêu thời gian cho việc quản lý quán của mình?"
TPT: Vì đặc thù công việc nên mình thường xuyên đi công tác, nên mỗi quán tai Hà Nội trong đó có Rice mình chỉ dành được khoảng thời gian ngắn nhất định để thống nhất công việc, nhưng cũng vẫn luôn cố gắng để tìm hiều về nhu cầu và những phản hổi từ phía khách hàng, sao cho hoàn thiện công việc kinh doanh hơn nữa.
#13 "Dành ít thời gian cho việc quản lý, vậy công việc kinh doanh anh giao hoàn toàn cho các bạn nhân viên, anh có gặp phải khó khăn gì không?"
TPT: Mình luôn đề cao vấn đề tự giác của các bạn nhân viên, bao gồm từ việc đi làm đúng giờ, pha chế sản phẩm, cũng như cách mời chào khách hàng… có những bạn có thể tuân thủ theo những văn hóa của cửa hàng nhưng cũng có những bạn không làm theo được nên đôi lúc mình cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc đào tạo.
#14 "Trong khoảng thời gian ngắn, Rice được giới trẻ biết đến khá nhanh, vậy anh có áp dụng hình thức quảng cáo nào cho quán?"
TPT: Cũng nhờ vào những kinh nghiệm từ thương hiệu đầu nên đối với Rice, mình cũng vạch ra một kế hoạch nhỏ cho việc quảng cáo để tạo được hiệu ứng truyền thông, thời điểm này mình mới chạy quảng cáo trên Facebook, kiểm soát số lượng bài cần đăng trong một tháng trên Facebook để đẩy mạnh được thương hiệu nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, mình cũng khá may mắn khi được nhiều báo và kênh truyền hình tìm hiểu đến để viết bài, để cùng chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh cho các bạn trẻ, chắc vậy mà mọi người cũng biết đến Rice nhiều hơn (Cười).
#15 "Để kết thúc buổi trò chuyện ngày hôm nay, anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đam mê kinh doanh hay không?"
TPT: Thực sự để có được công việc kinh doanh hiệu quả thì cần rất nhiều những lời khuyên, và ngoài sự đam mê cũng là yếu tố không thể thiếu thì cái quan trọng cho bước đầu thành công đó chính là các bạn phải tìm ra được một chiếc chìa khóa kinh doanh, hay cụ thể hơn là bản kế hoạch kinh doanh chi tiết dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy và sự am hiểu thực tế về sản phẩm kinh doanh của mình thật kỹ, giảm thiểu tối đa về rùi do. Đấy chính là con đường đi của mình, đi có đúng đường hay không đó là do chính bạn (Cười).
GỌI NGAY - 0909.555.948
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ CUNG CẤP CÀ PHÊ RANG MỘC VỚI GIÁ TỐT NHÂT
Địa chỉ: 35/4A Ao Đôi, Q.Bình Tân, TP.HCM