Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng với xu hướng thị trường cà phê thế giới.
Có thời điểm giá cà phê Robusta nhân xô tại Đắk Lắk lên tới 38.900 đồng/kg, mức giá cao nhất kể từ 29/6/2015.
So với cuối tuần trước, giá cà phê Robusta nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 600 đồng/kg lên 37.600 – 38.300 đồng/kg. Giá cà phê Robusta giao tại cảng Tp. Hồ Chí Minh giá FOB tăng 24 USD/tấn lên 1.756 USD/tấn.
Giá cà phê tiếp tục tăng do hạn hán. Ảnh minh họa: TTXVN
Thị trường cà phê thế giới tuần qua (từ 11 - 15/7) cũng biến động tăng. So với cuối tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 7/2016 tăng 15 USD/tấn lên 1.810 USD/tấn. Giá cà phê Robusta tăng do lo ngại khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng cà phê của Việt Nam - nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới và một số nước sản xuất chủ chốt khác như Brazil, Indonesia và Ấn Độ.
Như Ấn Độ - nước sản xuất cà phê lớn thứ 6 trên thế giới, có khả năng sản xuất được 320.000 tấn cà phê trong vụ 2016/2017, giảm 8% so với vụ trước do hạn hán. Vụ hiện tại, Ấn Độ ước tính sản xuất được 348.000 tấn cà phê.
Hiện tại là thời điểm tỉnh Lâm Đồng đang vào mùa trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm. UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ kinh phí 3,8 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ nông dân tái canh 650 ha cà phê già cỗi trong năm nay.
Các hộ nông dân thực hiện chương trình tái canh cà phê được hỗ trợ từ 60 – 80% chi phí mua cà phê giống. Các hình thức tái canh được khuyến khích là trồng mới và ghép chồi, cải tạo trên nền gốc vườn cà phê lâu năm, già cỗi cho năng suất thấp.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp tục giúp các đơn vị, doanh nghiệp và người dân nâng cao năng lực sản xuất cà phê giống đạt chất lượng; tổ chức tập huấn cho nông dân. Ngoài kinh phí hỗ trợ, nông dân thực hiện tái canh cà phê còn được vay vốn tín dụng ưu đãi khi thực hiện chương trình này.
Lâm Đồng cũng là tỉnh thực hiện chương trình tái canh cà phê mạnh nhất cả nước với 25.000 ha đã được tái canh với nguồn vốn tín dụng hỗ trợ 800 tỷ đồng, chiếm 60% về diện tích và 87% về vốn của cả khu vực Tây Nguyên.
Những diện tích sau tái canh đều đạt năng suất từ 5 – 8 tấn cà phê nhân/ha/năm, cao hơn 2 đến 3 lần so với chưa tái canh.